- Cá Chép
Cá chép là một loài cá nước ngọt phổ biến ở nước ta, có độ dài tối đa khoảng 1.2 mét và cân nặng tối đa khoảng 37.4 kg, tuổi thọ trung bình cao nhất từng được ghi nhận là khoảng 47 năm.
Cá chép thường sống theo bầy đàn và càng lớn thì số lượng cá thể trong từng bầy đàn sẽ ít dần. Cá chép sống ở tầng đáy, nơi có nhiều mùn bã hữu cơ, thức ăn đáy và cỏ nước, chịu được nơi nước có hàm lượng oxy thấp 2mg/l. Mặc dù cá chép có thể sống được trong nhiều điều kiện khác nhau, nhưng nói chung loài cá này thích môi trường nước rộng với dòng nước chảy chậm cũng như có nhiều trầm tích thực vật mềm (rong, rêu,…). Cá có thể sống được trong điều kiện khó khăn khắc nghiệt, chịu đựng được nhiệt độ từ 0 – 40oC, nhiệt độ lý tưởng nhất ở khoảng 20 – 27o Nhiệt độ dưới 12°C cá ăn ít lớn chậm. Tuy nhiên cá kiếm ăn ở ngưỡng nhiệt độ khá thấp so với các loài cá nước ngọt khác, dưới 5°C cá chép mới ngừng đi kiếm ăn.
- Cá chép ăn tạp, thức ăn yêu thích của chúng là các loài sinh vật đáy như nhuyễn thể, giun, ấu trùng, côn trùng và các loại ngũ cốc.
- Cá chép sinh sản vào các tháng đầu năm và giữa mùa mưa. Cá chép thường kiếm ăn rất mạnh để tích luỹ dinh dưỡng trước và sau thời điểm này.
- Chép thích tìm nơi cư ngụ cho chúng nơi nước sâu tĩnh ấm về mùa lạnh, râm mát mùa hè.
- Chép là loài sống đáy với tất cả các giác quan phát triển tinh nhạy, đặc biệt xúc giác và khứu giác.

Trong điều kiện hồ dịch vụ, cá chép thường đi kiếm ăn theo giờ và tùy từng mùa, khoảng thời gian này kéo dài từ 2-3 tiếng/ngày. Cá chép về mùa nắng thích mồi vị thơm ngọt của ngũ cốc hoặc vị trái cây, về mùa đông, sát thời điểm sinh sản, chúng thích các loại mồi giàu độ đạm.
- Cá Rô Phi
Cá rô phi có nguồn gốc từ châu Phi. Trong họ cá rô phi có khá nhiều loài. Ở nước ta đến nay cũng đã nhập nhiều chủng rô phi khác nhau như:
- Rô phi đen đã nhập về từ năm 1951. Loài cá này chậm lớn và đẻ dày, hiện nay không được quan tâm.
- Rô phi vằn (Niloticus) được nhập từ Đài Loan vào nước ta vào năm 1973. Loài cá này lớn nhanh, đẻ thưa, nhưng đáng tiếc lâu nay đã bị lai với rô phi đen nên sức lớn cũng bị chậm lại. Rất hiếm nơi còn giữ được giống thuần chủng.
- Rô phi vằn GIFT (Philipin), rô phi vằn chủng Ai Cập và chủng Thái Lan là những loài rô phi thuần chủng có sức lớn nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, mới được nhập vào nước ta năm 1994, đang được phát triển rộng rãi.
- Rô phi hồng: Còn gọi là cá điêu hồng, cá có màu sắc rực rỡ như màu cá vàng, mới nhập từ Malaysia vào nước ta năm 1975, cũng là loài cá thuần, có sức lớn nhanh, màu sắc đẹp, thịt ngon, rất được ưa chuộng, hiện đang là đối tượng nuôi xuất khẩu.
Cá rô phi có thể nuôi trong ao hồ nước ngọt và ao đầm nước lợ. Nếu nuôi trong nước lợ; chất lượng lại càng thơm ngon. Vì cá có khả năng chịu được độ mặn tới 32%.

Nhiệt độ thích hợp cho cá rô phi phát triển là 25 – 35oC. Chúng không có khả năng chịu rét. Nhiệt độ nước xuống 20oC cá đã ngừng ăn xuống 12 oC cá chết.
Rô phi là loài cá ăn tạp, bao gồm: Động thực vật phù du, giun đất, ấu trùng, côn trùng, động vật sống dưới nước.

Trong hồ dịch vụ, cá rô phi thường đi ăn mạnh vào các ngày nắng đều, không quá gắt. Địa điểm ưa thích là các vị trí gần bờ, nước nông & ấm, đặc biệt là nơi có các gợ bèo hoặc rau muống. Món khoái khẩu của rô phi thường là mồi mang vị tanh nồng.
- Cá Trắm Cỏ
Cá trắm cỏ chủ yếu sinh sống ở tầng nước giữa và thấp, thức ăn chính của chúng là các loại cây xanh thân mềm, rau, cỏ, bèo tấm, lá chuối, lá sắn, thân cây chuối non băm nhỏ, rong, thân cây ngô non băm nhỏ, ngoài ra cá trắm cũng ăn các loại bột ngô, khoai, sắn, cám gạo… Bên cạnh đó trong nguồn nước cá sống còn có các loại động vật phù du như tôm, tép, ấu trùng cá…cũng cung cấp được nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho cá trắm lớn nhanh.

Trong môi trường dịch vụ, cá trắm cỏ thích các loại mồi có vị thơm ngọt của trái cây, thậm chí là vị ngọt của mật ong. Ngô ủ là một trong những loại mồi chủ đạo được dùng để săn loại cá này.
- Cá Trôi
Nhóm cá này thường sống chủ yếu ở tầng giữa của ao nuôi, thức ăn chính của chúng là bã hữu cơ. Cá có thể ăn cả bèo tấm, bèo dâu, rau muống non và các loại tinh bột như cám gạo, cám ngô, bột sắn.

Cá trôi được thả hồ dịch vụ không có quá nhiều khác biệt so với ngoài tự nhiên, chúng thích các loại mồi lên men, vị chua nhẹ do có dạ dày nhỏ. Miệng cá trôi cũng khá nhỏ, do vậy nhịp ăn sẽ khá nhẹ, không dứt khoát, thường bị nhầm lẫn với cá con, đây cũng là 01 điểm cần thủ cần lưu ý khi muốn săn loại cá “điên” này.
- Cá trắm đen
Cá trắm đen thuộc họ cá Chép. Trong đời sống của chúng ta, loại cá này được nuôi với mục đích sử dụng làm thực phẩm lẫn dược phẩm. Chiều dài của một con cá trắm có thể lên đến 1.5m và nặng đến hơn 60kg. Thức ăn của cá trắm đen trong tự nhiên là ốc sên và ốc nhồi. Với đặc tính vốn có về một hàm răng khỏe và dày nên không có một loại thức ăn nào mà chúng từ bỏ, miễn là có thể ăn được. Chúng là một loại cá ăn tạp, ở ngoài tự nhiên trong tầng nước trung và đáy là hai vị trí phù hợp để kiếm ăn. Nguồn thức ăn chủ yếu của chúng là ốc, sò, hến hay những loại động vật giáp xác khác.

Trắm đen là loài cá ưa thích của giới cần thủ miền Bắc nước ta do có giá trị kinh tế cao, thịt ngon hơn các loại cá khác, đặc biệt kích thước lớn mới là điều khiến cần thủ phấn khích hơn cả khi nhắc tới loài cá này. Cá thả hồ dịch vụ thường nặng từ 6-12kg, có hồ thả cá nặng tới 15-20kg. Thời điểm đầu do quen được nuôi bằng thức ăn công nghiệp, trắm đen sẽ chưa quen với việc ăn ốc, sau khoảng 3-7 ngày cá sẽ bắt đầu đi ăn. Trắm đen thích vùng nước tĩnh, xa bờ, ít tiếng ồn.
- Cá Mè
Cá mè là loài ăn tạp, thường sống ở tầng nước giữa và nước mặt. Thường đi kiếm ăn theo bầy đàn và tập tính quan trọng nhất của cá mè là chúng lọc nước để kiếm thức ăn. Mùa sinh sản của cá mè rơi vào khoảng từ tháng 4- tháng 6 hàng năm. Mùa hè và thu chính là thời điểm thích hợp nhất để câu cá mè. Thời tiết lạnh cá mè hầu như không đi kiếm ăn.

Không nhiều hồ dịch vụ thả cá mè, một số hồ thả số lượng ít chỉ nhằm mục đích lọc nước. Do vậy, địa điểm câu lý tưởng vẫn là ngoài tự nhiên, ở các con sông, hồ chứa rộng. Cá mè ăn xa bờ, và ăn lửng, vì vậy trạng thái mồi là điều kiện tiên quyết để săn được loài cá này. Lưu ý, nên câu cá mè vào thời điểm nắng nóng và ít gió.